Đang truy cập :
67
Hôm nay :
6043
Tháng hiện tại
: 432506
Tổng lượt truy cập : 6251541
Ngay sau ngày thống nhất, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta bắt tay ngay vào khôi phục, xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước. Trong đó, lĩnh vực Công Thương nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế trong giai đoạn này. Tại Hội nghị sơ kết cải tạo công thương nghiệp tư doanh khu vực miền Nam ngày 31/7/1985, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), đồng chí Võ Văn Kiệt đã có bài nói tổng hợp về ngành Công Thương nghiệp, thông qua những thông tin trong bài nói này, chúng ta có thể thấy được phần nào những đóng góp quan trọng của ngành này trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh, đồng thời cũng thấy được những vấn đề còn tồn tại, những giải pháp, phương cách giải quyết vấn đề, tinh thần, tư duy đổi mới, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Trước hết, ông khẳng định hoạt động công thương nghiệp trong thời gian trước đó đã có những bước tiến bộ, “bước đi tích cực, với những biện pháp khá đa dạng, phong phú”, như: “cải tạo quan hệ sản xuất gắn với sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo các ngành kinh tế kỹ thuật, các ngành đã cùng các địa phương nghiên cứu xây dựng các đề án, đi từ những ngành quan trọng, thiết yếu, ở những địa bàn trọng điểm”. Bên cạnh đó “thương nghiệp XHCN đã phát triển tương đối toàn diện ở cả các vùng thành thị và nông thôn, tạo nên những đổi mới đáng kể…Đến nay, tính chung toàn khu vực miền Nam, thương nghiệp XHCN đã nắm 90% lương thực, phần lớn sản phẩm hàng hóa đối với thịt heo, cá, rau, đường và một số nông sản khác…Nắm được hàng, thương nghiệp XHCN nói chung đã chiếm trên 60% doanh số bán lẻ và khoảng 60% doanh số bán buôn của thị trường xã hội. Đó là tính chung toàn khu vực; ở một số xã, thị trấn, huyện, thị xã và ngành, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều”. Mặt khác, “thương nghiệp tư doanh đã xác định được các hình thức cải tạo có tác dụng tốt và được áp dụng phổ biến ở khắp các địa phương. Đó là các hình thức: hợp tác kinh doanh, đại lý bán lẻ, tổ ngành hàng, hợp đồng lao động kỹ thuật,…Đó là những hình thức kinh tế quá độ, bảo đảm lợi ích cho cả nhà nước, tư nhân và người tiêu thụ”. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có những hành động cụ thể, thiết thực góp phần vào quá trình cải tạo, sắp xếp lại thị trường khi “tạo điều kiện để chuyển một số hộ kinh doanh thương nghiệp sang các ngành sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ” hay thực hiện “kiên quyết đình chỉ kinh doanh đối với một số hộ có những vi phạm nghiêm trọng về quy chế kinh doanh”(1).
Hơn nữa, “về quản lý thị trường, cũng đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý thị trường đã có mặt kịp thời để phát hiện và xử lý các hoạt động vi phạm về đăng ký kinh doanh, về kỷ luật quản lý giá cả,…đưa trật tự buôn bán trên thị trường vào quỹ đạo quản lý của nhà nước ngày một tốt hơn…Công tác chống đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép được thực hiện với tinh thần tích cực, khẩn trương và thu được kết quả tốt, gắn với việc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ kinh tế XHCN và việc đấu tranh chống địch phá hoại” (2).
Đề cập đến những khó khăn, tình trạng yếu kém của lĩnh vực này, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ ra nguyên nhân là do: “sự mất cân đối và thiếu đồng bộ giữa các mặt sản xuất và cung ứng vật tư kỹ thuật; giữa yêu cầu thu mua nắm hàng với khả năng đáp ứng tiền mặt; giữa yêu cầu đẩy mạnh kinh doanh thương nghiệp với việc chậm sửa đổi cơ chế kinh doanh phù hợp; giữa yêu cầu đẩy mạnh cải tạo với khả năng hạn chế về hệ thống tổ chức và trình độ cán bộ, với sự chậm trễ trong việc ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp,…”(3). Hoặc “có nghề truyền thống bị mai một đi, người sản xuất chạy theo thị hiếu, theo nhu cầu nhất thời của thị trường; người có tay nghề phải tìm cách khác để sinh sống, người không có tay nghề lại chạy ra kinh doanh trục lợi. Tất cả những hiện tượng ấy làm cho hàng hóa kém phong phú, đa dạng, kém phẩm chất và khó khăn cho việc nhà nước nắm hàng hóa” (4). Những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ cộng hưởng với những yếu tố tồn tại, bất lợi khác, từ đó tạo ngụy cơ phát sinh nhiều tiêu cực, hệ lụy, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tiến bộ của nền kinh tế.
Do vậy, để kinh tế nói chung và công thương nghiệp nói riêng có bước phát triển bền vững, phù hợp với định hướng XHCN, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đã đưa ra một số nội dung, vấn đề, giải pháp chiến lược mà đến nay vẫn còn mang tính thời sự như:
Một, trong việc “cải tạo và sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp” thì chúng ta cần xác định “muốn nắm nguồn hàng, nắm tiền, phải đi từ gốc là sản xuất”, không để “sản xuất phân tán, manh mún” (5). Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường chuyên môn hóa, khai thác các thế mạnh của từng vùng, ngành với việc “mỗi địa phương cần đi sâu phát huy các ngành, nghề truyền thống, đã có nhiều kinh nghiệm, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu” (6). Đồng thời “các ngành sản xuất phải thấy rõ trách nhiệm quản lý ngành, nhận rõ mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối, lưu thông, giữa phát triển sản xuất và cải tạo quan hệ sản xuất…Các bộ phải cử đại diện có thẩm quyền để phụ trách việc này ở các tỉnh miền Nam” (7).
Hai, việc đầu tư nghiên cứu thị trường, chủ động các nguồn nguyên vật liệu, làm chủ sản xuất, lưu thông, phân phối, đồng thời định hướng tiêu dùng là việc làm cần thiết, bởi theo ông “nắm hàng là điều kiện đầu tiên để nắm tiền, quản lý thị trường và giá cả…bằng các chính sách, bằng quyền lực nhà nước, bằng phong trào cách mạng của quần chúng” (8). Tuy nhiên, “nắm được hàng phải đi đôi với tổ chức tốt việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong nước…phải tận dụng đủ loại phương tiện vận tải, tận dụng sông, biển, sức gió, nước triều” (9). Ngoài ra, “các đoàn thể cần tích cực tham gia vào trận địa phân phối lưu thông bằng hình thức giám sát hoạt động mua, bán của các đơn vị thương nghiệp hoặc làm chân rết phân phối cho thương nghiệp dưới hình thức đại lý, trong các HTX” (10).
Ba, ông đề cập đến công tác cải tạo, quản lý giá và tiền để tránh lũng đoạn, nhiễu loạn thị trường, lạm phát. Căn cứ trên tình hình thực tế, đồng chí cũng nêu ra câu hỏi, mà cho đến nay câu hỏi, đề bài đó đôi khi chúng ta vẫn còn lúng túng trong câu trả lời, đó là: “Liệu giá cả thị trường có được quản lý tốt không? Nếu để giá cả thị trường tiếp tục tăng thì giá trị đồng tiền sẽ tiếp tục giảm sút và thu nhập thực tế của người ăn lương cũng sẽ tiếp tục giảm sút” (11). Một trong những giải pháp ông đã đưa ra là “phải giữ vững kỷ luật giá: giữ vững kỷ luật trong nội bộ và trừng trị bọn đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường” (12). Và việc nắm giữ, điều phối, sử dụng tiền cũng là vấn đề hết sức quan trọng, làm mà vấn đề này chủ yếu được giao cho ngân hàng, do vậy “Ngân hàng phải chuyển mạnh hoạt động của mình sang hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN, cần xúc tiến cải tiến tổ chức, xây dựng các chi nhành ngân hàng chuyên nghiệp (thương nghiệp, đầu tư công nghiệp, nông nghiệp,…)” (13).
Bốn, ông lưu tâm tới việc các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác tổ chức quản lý, chủ động đấu tranh, chặn đứng “những hoạt động tiếp tay, bao che bọn đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả” (14). Tiếp đó “cần quy hoạch các địa điểm, các cơ sở buôn bán…vừa thuận tiện cho người tiêu thụ, vừa văn minh, lịch sự, vệ sinh, vừa thuận tiện cho việc quản lý” (tr.18), tránh tình trạng ồ ạt, tràn lan, bừa bãi, từ đó tạo điều kiện cho việc phát triển nền kinh tế lành mạnh.
Năm, điều mà được ông đặc biệt nhấn mạnh và đó là “kinh nghiệm lớn nhất có thể rút ra ở đây là: nắm vững chủ trương của Đảng, với tinh thần cách mạng cao, tiến hành công tác một cách đồng bộ, thống nhất, gắn các ngành với các địa phương, địa phương với địa phương, thành một thể liên hoàn” (15), và điều này đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước đối với quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, ngoài ra trong giải pháp này cũng hợp thời cho đến nay khi giữa các ngành nghề, các khu vực, vùng miền, địa phương tạo thành các chuỗi liên kết, tạo đà phát triển đồng đều, bền vững trong cả nước.
Trong điều kiện quy mô, loại hình kinh tế phát triển đa dạng như hiện nay, việc hội nhập kinh tế trong nước và quốc tế, nhu cầu xã hội ngày càng tăng cao,…vận hành của nền kinh tế đã và sẽ còn nảy sinh không ít những vướng mắc, bất cập, khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc thiết lập chủ trương, hành lang pháp lý, những tư tưởng, định hướng như quan điểm của đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn còn tính thời sự trong cuộc sống hôm nay.
Chú thích:
1-15. Trích “Bài nói của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị sơ kết cải tạo công thương nghiệp tư doanh khu vực miền Nam, ngày 31/7/1985”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 3, hồ sơ 5241, tờ 5-19.
Nguồn tin: luutru.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHI CỤC VĂN THƯ - LƯU TRỮ TỈNH HÀ GIANG
Cơ quan chủ quản: Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Hà Giang
Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chi cục Trưởng
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Tổ 20, P.Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang
Số điện thoại: 0219.3863.757 - Fax: 0219.3863.757 - Email: vtlt.vpubnd@hagiang.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'http://vtlt.hagiang.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này