Lịch sử và ý nghĩa ngày Thể thao Việt Nam 27/3/1946

Ngày 29/1/1991, thay mặt Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Phó Chủ tịch Nguyễn Khánh đã ký ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27 tháng 3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.
       Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người. Tập thể dục, rèn luyện thân thể là việc thiết thực nhất để rèn luyện thể chất, tinh thần đối với mỗi người và cũng là đóng góp cần thiết cho xã hội. Đây là việc làm không tốn kém, chỉ cần nhận thức, chỉ cần nghị lực. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Tấm gương của Người đối với công tác thể dục thể thao không chỉ khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành thể dục thể thao mà còn thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động thể dục, thể thao và rèn luyện sức khỏe của nhân dân.
https://dms.luutru.gov.vn/files/ecm/source_files/2023/03/27/the-thao-01-23-134542-270323-23.jpg
Sắc lệnh số 14/SL ngày 30/1/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh 
về việc thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, mục lục I, hồ sơ 02, tờ số 037.
 
          Dù bộn bề công việc của đất nước, một chính quyền mới ra đời nhưng Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 30 tháng 1 năm 1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên). Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể dục Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Sắc lệnh số 38/SL ngày 27/3/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh 
về việc thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, mục lục I, hồ sơ 02, tờ số 083
 
      Ngày 27/3/1946, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 38/SL thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia giáo dục). Nha Thanh niên gồm có:“một phòng Thanh niên Trung ương và một phòng Thể dục Trung ương”. Đây là nền tảng, là căn cứ pháp lý và cội nguồn của ngành thể dục thể thao thúc đẩy việc rèn luyện sức khoẻ của nhân dân, thúc đẩy hoạt động thể thao trong nước và thi đấu quốc tế.

 
Quyết định số 25/CT ngày 29/1/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
về việc lấy ngày 27 tháng 3 làm “Ngày thể thao Việt Nam” .
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Công báo số 05 ngày 15/3/1991
 
       Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 29/1/1991, thay mặt Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Phó Chủ tịch Nguyễn Khánh đã ký ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27 tháng 3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm để khích lệ phong trào thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp, dần dần đưa thể dục, thể thao trở thành một phần của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Điều 1 Quyết định số 25/CT ghi rõ: “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. Ngày 27/3/1946 được chọn là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.       
        Kể từ khi thành lập đến nay, ngành thể dục thể thao Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đồng thời, ngành cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong cả nước, đạt được nhiều thành tích trong thi đấu quốc tế./.
 

Nguồn tin: luutru.gov.vn