Tiết Thanh minh dưới triều Nguyễn

             Tiết Thanh minh là dịp để các vị vua triều Nguyễn tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên. Nhiều nghi lễ quan trọng được đích thân vua, hoàng tử và các quan trong triều tiến hành.
         Tiết Thanh minh được xem là một trong những ngày lễ, tết của người dân đất Việt. Đó là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và là dịp để con cháu tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên. Khi nói đến tiết Thanh minh, bao giờ chúng ta cũng nghĩ đến tục tảo mộ và nhớ lại câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng Ba. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” trong tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
 
           Trong hoàng cung triều Nguyễn, các vị vua cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho ngày lễ này. Nhiều nghi lễ quan trọng được đích thân vua, hoàng tử và các quan trong triều tiến hành.
 
           Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này) đã ra quy định hằng năm lấy việc yết lễ ở Thái Miếu vào tiết Thanh minh làm lệ thường.
 
          Tiếp nối truyền thống, vua Minh Mạng cũng cho định lệ tiết Thanh minh và sai Bộ Lễ bàn về lễ yết lăng. Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 19, mặt khắc 22, 23 chép lại lời tâu của Bộ Lễ như sau: Điển lệ quốc triều ta thì sau khi yết tảo cuối năm là đến tế chạp, cho nên lễ phẩm yết tảo chỉ dùng hương đèn trầu rượu. Nay đã định lại lấy tiết Thanh minh thì xin dùng sinh và cỗ dâng cúng. Ngày ấy Hoàng thượng thân yết lăng Thiên Thụ, khâm sai các hoàng tử tước công chia đi các lăng làm lễ”. Vua đã chuẩn y theo lời bàn.
 
          Không chỉ tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên trong tiết Thanh minh, vua Minh Mạng còn quan tâm đến lăng mộ của các vua nhà Lê. Dịp tiết Thanh minh năm Kỷ Hợi (1839), vua hỏi Phan Huy Thực rằng: Trẫm nghe phần mộ nhà Lê trước không đắp nấm, không trồng cây, không muốn người đời sau biết chỗ chôn, có phải không?. Sau khi Phan Huy Thực thưa, vua vì thế thương lắm, bèn sai Bộ Lễ tư đi các địa phương hỏi khắp lăng các vua từ nhà Lê trở về trước và cho sửa sang và tế lễ.

 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 19, mặt khắc 21.
 
 
 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 19, mặt khắc 22.
 
 
 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 19, mặt khắc 23.
 
 
 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 17, mặt khắc 16.
 

 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 17, mặt khắc 17.
 
 
 
 
 
 Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 44, mặt khắc 10.
 
 
          Thời vua Thiệu Trị, vua còn đặt ra lễ “rải đất” trong dịp tiết Thanh minh. Vua dụ rằng: “Lễ rải đất ở Hiếu lăng, từ Ta đặt ra trước, nhưng nhân có việc bang giao, phải ở lâu ngày tại ngoài này, đương lúc cuối xuân nhiều sương, sắp đến tiết Thanh minh chưa thể về thân yết lăng mộ, trong lòng tưởng mộ, thương nhớ khôn ngăn. Các người nên kính cẩn thay ta, cần làm cho hợp ý nghĩa ngày lễ. Ta chỉ chắp tay trông lên không, ngậm thương, cúi lạy, họa may nhờ đức Hoàng khảo linh thiêng tại trên trời thương xét tới tấm lòng đau xót của ta, kẻ tiểu tử này”. Vua sai Lưu Kinh hoàng tử Hồng Bảo đến Hiếu lăng, hoàng tử thứ 3 Hồng Phó đến lăng Hiếu Đông, các hoàng thân chia nhau đến các tôn lăng để hành lễ.
 
         Vì xem tiết Thanh minh là ngày lễ quan trọng để nhớ ơn tổ tiên nên các vị vua rất nghiêm cẩn trong công việc chuẩn bị tế lễ. Những người làm tốt thì được khen, bất cẩn thì bị trách phạt. Trong nhân dân, tiết Thanh minh cũng trở thành một ngày tết để sum vầy, để con cháu thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà và người đã khuất./.
 

     Tài liệu tham khảo:
 
1. Hồ sơ H22/20, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
2. Hồ sơ H22/45, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
3. Hồ sơ H23/18, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
4. Bản dịch sách Đại Nam thực lục của Viện Khoa học xã hội, Viện Sử học, NXB Giáo dục, 2007.

Tác giả bài viết: luutru.gov.vn